Thị trường công nghệ giải trí, làm việc cá nhân năm 2021: thách thức nhiều nhưng cơ hội không ít

Làn sóng đại dịch COVID-19 trong năm 2021, đã đưa đến nhiều thay đổi lớn trong nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ; ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và cũng định hình nên một xu hướng chọn lựa sản phẩm phù hợp với nhu cầu giải trí - làm việc cá nhân.

Bối cảnh thị trường

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành hàng công nghệ nói riêng có giai đoạn hoạt động kinh doanh bị gián đoạn; những sự kiện ra mắt, trải nghiệm sản phẩm không được tổ chức rầm rộ như những năm trước; các hoạt động marketing hạn chế hơn; dải sản phẩm thu hẹp chỉ còn lại một số dòng chủ chốt; quan trọng là sức mua giảm thì một số sản phẩm vẫn gặt hái những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đánh giá từ hội đồng Editors’ Choice 2021, các sản phẩm thuộc nhóm Entertainment Sound, On-The-Go, Unfold & IT vẫn đạt được thành công nhất định. Đây là dải sản phẩm phổ biến, đáp ứng rất tốt nhu cầu cơ bản của cá nhân lẫn gia đình trong mùa dịch. Những nhu cầu như hát karaoke, trò chuyện trực tuyến, streaming, học tập, làm việc... đều cần loa, micro, webcam, laptop, smartphone, tablet hơn bao giờ hết.

Ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động của Thế Giới Di Động, đánh giá đến cuối năm các mặt hàng này sẽ giữ đà tăng trưởng trong bối cảnh học sinh vẫn đang học online tại nhà. “Nhu cầu cao nhưng do hạn chế nguồn cung toàn cầu nên các thiết bị này đang xảy ra tình trạng khan hiếm tại Việt Nam”, ông Tuyên nói với ICTnews. Mặc dù Thế Giới Di Động đã dự đoán trước tình trạng khan hiếm và thực hiện trữ hàng từ đầu năm 2021, nhưng nhiều sản phẩm vẫn không đủ cung.

Chuỗi cửa hàng CellphoneS cho hay kể từ khi bùng phát dịch, nhu cầu máy tính bảng giá rẻ bùng phát rất mạnh. “Các máy tính bảng Samsung tại CellphoneS tăng 200% so với trước, do nhu cầu cao cộng với việc khan hiếm hàng. Những máy tính bảng dưới 10 triệu đang được mua nhiều như Tab A7 Lite, Tab A7, Tab S6 Lite. Ngay cả những sản phẩm cao cấp như Tab S7 FE, Tab S7, Tab S7 Plus cũng có doanh số tăng 150% nhưng ít hàng.”

Thành công đáng ghi nhận

Theo số liệu của Counterpoint Research, số lượng xuất xưởng điện thoại thông minh của Việt Nam giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3 năm 2021. Các hạn chế do COVID-19 gây ra ở các thành phố lớn là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm này, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động và đóng cửa các cửa hàng và trung tâm thương mại. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng làm ảnh hưởng.

Samsung vẫn chiếm thị phần cao nhất trong Q3/2021 khi chiếm tới 49%. Điều này là do nhu cầu của người dùng đối với các mẫu điện thoại giá rẻ như Galaxy A12, Galaxy A03s và Galaxy A22 tăng mạnh. Sự chú trọng của Samsung vào dòng A đã bắt đầu được đền đáp, tạo thêm động lực cho sự phát triển của hãng trên thị trường. OPPO chiếm vị trí thứ hai với 19% thị phần nhờ dòng A. Xiaomi và Vivo chiếm vị trí thứ ba và thứ tư với lần lượt là 13% và 8% thị phần.

Về mặt tích cực, khi “các hạn chế đã được nới lỏng, người lao động bắt đầu trở lại khu công nghiệp, tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, doanh số smartphone tại Việt Nam có thể sẽ tăng trở lại vào quý cuối năm”, đại diện Counterpoint nhận định.

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 mà FPT công bố, doanh thu mảng laptop đạt 1.329 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Mảng laptop gaming tại hệ thống cũng tăng trưởng kỷ lục 217%, gần gấp 3 lần so với 5 tháng cùng kỳ năm 2020, chiếm đến 20% trong doanh thu của mảng laptop. Các loại phụ kiện webcam, bàn phím hay chuột đều tăng mạnh.

Với các số liệu trên, có thể thấy, mặc dù đại dịch ảnh hưởng nhiều đến thị trường sản phẩm công nghệ giải trí, làm việc cá nhân, đặc biệt vẫn có những dòng sản phẩm không giảm mà còn tăng đột biến, cung không đủ cầu. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các doanh nghiệp, thương hiệu và đại lý bán lẻ trong năm vừa qua.